"Tôi mong đội ngũ trí thức, các nhà khoa học nỗ lực thực hiện cho được trách nhiệm, sứ mệnh của mình trong giai đoạn cách mạng mới, đóng góp cùng thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược của đất nước", Tổng Bí thư Tô Lâm nói tại buổi gặp mặt các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ lão thành tiêu biểu, đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ các tỉnh thành phía Nam, sáng 9/1 tại TP HCM.
Theo Tổng Bí thư, 2025 là năm rất quan trọng đối với đất nước. Ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn tới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
"Nước ta chỉ còn 20 năm nữa để hiện thực hóa mục tiêu này. Nguy cơ tụt hậu, bẫy thu nhập trung bình lúc nào cũng rình rập nếu chúng ta không tìm được con đường mới, bước đi mới", Tổng Bí thư nói, cho rằng đây là lúc khởi điểm cho những tính toán về định hướng chiến lược.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi gặp mặt nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân sĩ, trí thức phía Nam, sáng 9/1. Ảnh: An Phương
Theo Tổng Bí thư, có hai điểm mấu chốt để thực hiện thành công những chủ trương lớn của Đảng, một là nhận thức và ý chí chính trị. Hiện Trung ương Đảng đã thống nhất, hệ thống chính trị đã được quán triệt, quyết tâm triển khai và được sự đồng tình, ủng hộ rất cao của nhân dân. Thứ hai là coi khoa học, công nghệ là đột phá với Nghị quyết 57.
Tổng Bí thư cho rằng việc xem khoa học công nghệ là đột phá không phải là vấn đề Đảng mới đề cập, nhưng lần này lĩnh vực này được nâng cấp lên thành động lực hàng đầu trong quá trình phát triển mới của đất nước. Chính phủ sẽ có chương trình hành động và Quốc hội sẽ thể chế hóa. Do đó, ông mong muốn đội ngũ trí thức các nhà khoa học nỗ lực cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thành công những mục tiêu chiến lược của đất nước.
Ông cũng đề nghị đội ngũ trí thức đào tạo, bồi dưỡng, giúp đỡ thế hệ sau tiến bộ, trở thành động lực mạnh mẽ cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là cầu nối để xây dựng mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học trong nước, quốc tế, trí thức người Việt ở nước ngoài, người nước ngoài.
Tại buổi gặp mặt, GS.TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch các hội liên hiệp khoa học, công nghệ TP HCM, cho biết đội ngũ trí thức thành phố rất hùng hậu, hiện có khoảng 1,6 triệu người, trong đó có 18.000 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành và 90.000 thạc sĩ đang đóng góp tích cực vào sự phát triển của thành phố và cả nước.
GS Phước cho rằng mặc dù Đảng, Nhà nước, TP HCM có nhiều cơ chế thu hút trí thức, nhân tài nhưng thực tế vẫn còn thách thức. Cụ thể là đãi ngộ chưa đủ hấp dẫn giữ chân chuyên gia hàng đầu. Sự liên kết giữa các trường đại học, các nhà nghiên cứu khoa học và các doanh nghiệp còn lỏng lẽo. Việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học còn nhiều khó khăn, hạ tầng khoa học công nghệ chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế. Nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành mới nổi như trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới công nghệ sinh học chưa theo kịp...
Lãnh đạo các hội liên hiệp khoa học, công nghệ TP HCM đề nghị thành phố và các địa phương cần nghiên cứu chủ trương mua sản phẩm khoa học hoặc khoán nghiên cứu theo sản phẩm, không quản lý như trước đây. Tiếp đến, chính quyền cần huy động chuyên gia tư vấn phản biện chính sách, tăng sử dụng ý kiến chuyên gia trong xây dựng chính sách phát triển của địa phương.
TS Cao Đông Vũ, Viện trưởng Nghiên cứu hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Ảnh: An Phương
Trong khi đó, TS Cao Đông Vũ, Viện trưởng Viện nghiên cứu hạt nhân, đề nghị cần đẩy mạnh phát triển năng lượng hạt nhân vì đây là nguồn năng lượng sạch, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Theo ông, Quốc hội vừa thông qua nghị quyết tiếp tục thực hiện dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận là cơ hội lớn để Việt Nam đẩy mạnh lĩnh vực này.
Trả lời ý kiến của TS Vũ, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng để đạt được mục tiêu tăng trưởng hai con số, đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực năng lượng là yếu tố quan trọng. Các nhà đầu tư lớn đã cảnh báo, nếu phát triển công nghiệp, công nghệ số, nguồn năng lượng hiện tại không đủ. Dù tiềm năng về điện gió, điện mặt trời còn rất lớn nhưng cũng không thể đủ đáp ứng về lâu dài. Do đó, phát triển điện hạt nhân là điều cần tính toán đến.
Theo Tổng Bí thư, phát triển điện hạt nhân đã từng được tính đến nhưng dừng lại vì băn khoăn vấn đề an toàn. Hiện nay, nước ta đã chuẩn bị chu đáo về nhân lực, đào tạo hơn 400 sinh viên về công nghiệp hạt nhân, điện hạt nhân, an toàn hạt nhân, đã khảo sát và có dự án. Việc cần làm là lựa chọn nhà đầu tư rẻ nhất, an toàn nhất, hiện đại nhất theo xu hướng của thế giới.
Lê Tuyết