Justin Martell, 37 tuổi, điều hành một công ty truyền thông ở Connecticut, đã du lịch Triều Tiên 11 lần. Đầu tuần trước, Martell cùng đại diện các công ty du lịch đến Triều Tiên khoảng 5 ngày để khảo sát du lịch cho khách phương Tây. Anh trở thành người Mỹ đầu tiên trở lại Triều Tiên từ khi quốc gia này đóng cửa do đại dịch hơn 5 năm trước.
Justin Martell đứng trước đài tưởng niệm Mansudae trong chuyến đi tới Bình Nhưỡng năm 2015. Ảnh: Young Pioneer
Trong khi Triều Tiên mở cửa đón khách Nga từ năm ngoái, công dân Mỹ vẫn không được phép nhập cảnh quốc gia này. Ngược lại, Mỹ cũng chưa cho phép công dân đến Triều Tiên kể từ năm 2017, sau cái chết của sinh viên 22 tuổi Otto Warmbier, bị giam giữ ở quốc gia này, trở về trong tình trạng thực vật và qua đời sau đó. Lệnh cấm có hiệu lực đúng lúc Martell rời biên giới thành phố Đan Đông (Trung Quốc) và thành phố Sinuiju (Triều Tiên), khiến anh trở thành du khách Mỹ cuối cùng rời Triều Tiên.
Martell quyết tâm trở lại. Anh xin quốc tịch kép qua chương trình nhập tịch theo diện đầu tư vào Saint Kitts và Nevis - đảo quốc thuộc vùng Caribbean. Đóng khoản tiền sáu con số vào quỹ Sustainable Island State Contribution (SISC) của quốc đảo, chờ một năm làm thủ tục, kiểm tra lý lịch, chứng minh tài chính, Martell đã có hộ chiếu thứ hai để có thể hợp pháp đến Triều Tiên mà không vi phạm quy định khi trở lại Mỹ.
Martell cho biết chi phí mua quốc tịch tăng vọt kể từ khi xung đột Nga và Ukraine nổ ra. "Chi phí hiện lên tới 250.000 USD, tăng gấp đôi, gấp ba lần vì nhiều người Nga muốn có hộ chiếu thứ hai", anh nói.
Đến Triều Tiên, Martell cho hay người dân ở đây vẫn lo sợ về đại dịch. Các biện pháp y tế vẫn được triển khai như đeo khẩu trang, đo thân nhiệt. Điểm đông người tham quan như chợ địa phương phải hạn chế khách do lo ngại dịch bệnh lây truyền.
Justin Martell (thứ hai từ trái qua) cùng những khách phương Tây chụp ảnh tại đài tưởng niệm các nhà lãnh đạo Triều Tiên ở núi Janam, thành phố Kaesong, hôm 16/2. Ảnh: Justin Martell/Instagram
Martell đến đặc khu kinh tế Rason vào thứ Năm. Đồng hành với anh còn có Rowan Beard, hướng dẫn viên người Australia với hơn 10 năm kinh nghiệm dẫn tour đến Triều Tiên, và Gergo Váczi từ Hungary, người quản lý các tour Triều Tiên của công ty du lịch Koryo Tours ở Anh.
Beard cho biết chuyến đi đánh dấu cột mốc quan trọng sau 5 năm Triều Tiên đóng cửa biên giới do Covid-19. Tuy nhiên, một số hoạt động du lịch còn bị hạn chế và các công ty lữ hành đang làm việc với chính quyền địa phương để mở cửa đón khách. Trong đó, họ đề xuất đưa rạp chiếu phim vào các điểm trải nghiệm. Triều Tiên đang phát triển ngành công nghiệp điện ảnh với các bộ phim đang được chiếu tại rạp như "72 Hours" về chiến tranh Triều Tiên và "One Day and One Night".
Theo Martell, các hướng dẫn viên Triều Tiên hiểu rõ các vấn đề toàn cầu, từ mức thuế do Tổng thống Donald Trump đề xuất đến cuộc xung đột ở Ukraine, tuy nhiên họ thận trọng và không bình luận.
Nhóm Martell đến thăm đặc khu kinh tế Rason, họ đánh giá không có nhiều địa chỉ để tham quan, tuy nhiên, quy định về chụp ảnh và quay phim tại đặc khu đã được nới lỏng. Dù vậy, Martell vẫn bị giám sát chặt chẽ do là người Mỹ, ngay cả khi có hộ chiếu thứ hai. Anh bị yêu cầu xóa hai đoạn video: một về cảnh chuẩn bị cho buổi khiêu vũ và một cảnh anh giải thích ý nghĩa của khẩu hiệu tuyên truyền.
Khi đến thăm một trường học địa phương, Martell nhận thấy trẻ em Triều Tiên rất quan tâm đến âm nhạc, thể thao và cuộc sống ở Mỹ. "Bọn trẻ muốn kết nối hơn là quan tâm đến chính trị", Martell nói.
Hà Phương (Theo CNN)